Văn phòng Chính phủ giao nhiệm vụ các địa phương phụ trách đẩy nhanh tiến độ thị công các dự án trọng điểm gồm Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh và đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Cơ sở hạ tầng sẽ là nền tảng để vực dậy nền kinh tế, điều này được chính phủ đề cập và có nhiều chính sách rõ rệt trong thời gian quan. Nắm giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế cả nước, khu vực Đông Nam Bộ sẽ là nơi đón “cơn mưa” dự án hạ tầng trong giai đoạn 2020 – 2030.
Ngoài các dự án riêng biệt của từng tỉnh, Chính Phủ đặc biệt quan tâm đến các dự án giao thông liên kết vùng và giữ vai trò kết nối giao thông khu vực. Riêng trong năm 2023, 03 dự án trọng điểm phía Nam phải sớm có sự chuyển biến rõ rệt, đáp ứng kế hoạch đặt ra.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành
Các cơ quan và đơn vị liên quan đang phải chịu trách nhiệm về việc dừng thi công một số gói thầu của dự án xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành, một tuyến huyết mạch kết nối các tỉnh miền Tây sang miền Đông thông qua kết nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến kết nối giao thông liên vùng. Do đó, các cơ quan và đơn vị liên quan, cùng với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), phải hoàn thành các nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Phó Thủ tướng đã giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và VEC khẩn trương nghiên cứu và đề xuất phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án. Điều này đảm bảo cam kết nghĩa vụ trả nợ của VEC và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành. Thủ tướng Chính phủ cần được báo cáo trước ngày 25 tháng 3 năm 2023.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần hoàn thành việc thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và có báo cáo kết quả trước ngày 17 tháng 3 năm 2023. Họ cũng cần khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng cho dự án, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại văn bản số 38/TB-VPCP ngày 20 tháng 02 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ trước ngày 24 tháng 3 năm 2023.
VEC chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các thủ tục về điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư, bố trí vốn đối ứng còn lại, đề xuất phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An phối hợp chặt chẽ với VEC và tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, an ninh, nguồn vật liệu san lấp, bãi đổ thải cho các nhà thầu thi các hạng mục còn lại của Dự án.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai
Để nhanh chóng hoàn thành các gói thầu, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với Hội đồng Thẩm định Nhà nước, thúc đẩy việc hoàn thành báo cáo thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước tháng 3 năm 2023, nhằm trình Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp thứ 5.
Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải sẽ đứng đầu trong việc phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) để tổng hợp báo cáo về quá trình triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bao gồm việc kéo dài thời gian thực hiện và nguyên nhân liên quan. Quá trình triển khai này sẽ được điều phối chặt chẽ, kết nối và đồng bộ, đảm bảo các gói thầu thành phần được thực hiện đúng thiết kế và yêu cầu kỹ thuật đặc biệt nhất là gói thầu thành phần 3.
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ chủ trì và phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai để thống nhất phương án và phương thức lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện Dự án thành phần 4. Đặc biệt, sẽ tập trung vào việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh và cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong cảng hành không, để đảm bảo hoạt động an toàn, thuận tiện, hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất.
Thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành và chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức như ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), và chủ đầu tư các dự án thành phần, để đảm bảo triển khai Dự án theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn và bảo vệ môi trường.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Họ sẽ khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của giai đoạn 1 để bàn giao cho các chủ đầu tư và đảm bảo hoàn thành trong tháng 3 năm 2023. Đồng thời, họ sẽ phối hợp chặt chẽ và tích cực với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định nhà nước để hoàn thiện Báo cáo thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
ACV cần xác định rõ ràng rằng đây là một dự án có quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia và cần có phương án quản lý toàn bộ quá trình thi công và vận hành phù hợp, để đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả đáp ứng yêu cầu.
ACV sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc lựa chọn nhà thầu đáp ứng đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu và dự án, để đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Họ cũng sẽ kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về bất kỳ vướng mắc nào trong quá trình triển khai.
Đường Vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu
Đây là dự án đang tác động rất lớn đến bất động sản xung quanh. Tại bất động sản Bình Dương, đường Vành đai 3 đang tạo nên hiệu ứng tích cực trong việc thu hút đầu tư. Từ việc thiết lập khả năng kết nối vùng, đường Vành đai 3 đã thể hiện rõ rệt những lợi thế.
Tại Bình Dương, dự án vành đai 3 có chiều dài hơn 26km, trước đây tỉnh đã chủ động xây dựng được 15,3km (trùng một phần với đường Mỹ Phước – Tân Vạn). Bình Dương là tỉnh duy nhất đã thực hiện được một phần dự án vành đai 3 TP.HCM. Phần vành đai 3 còn lại qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài gần 11,8 km, từ Bình Chuẩn đến sông Sài Gòn sẽ sớm được triển khai trong cuối quý II hoặc chậm nhất đầu quý III/2023.
Về tổng thể dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm khởi công và triển khai dự án đúng tiến độ; lưu ý làm tốt công tác tái định cư cho người dân bị thu hồi đất tránh khiếu nại, khiếu kiện.
Nghiên cứu áp dụng các giải pháp, công nghệ hợp lý trong thiết kế, thi công; công tác lập dự toán xây dựng công trình phải bảo đảm tính đúng, tính đủ theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức thực hiện thẩm tra thiết kế đúng quy định, yêu cầu tư vấn thẩm tra phải nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập, khách quan trong công tác thẩm tra; bố trí cán bộ đủ năng lực, phù hợp với loại và cấp công trình; nâng cao chất lượng trong công tác thẩm tra.
Chỉ đạo tư vấn thiết kế nâng cao trách nhiệm, chất lượng điều tra, khảo sát xây dựng dự án gắn với nhu cầu vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi), có báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với hoạt động thăm dò khai thác vật liệu theo đúng quy định của pháp luật trong quá trình thiết kế; thẩm định thiết kế kỹ thuật, phương án kỹ thuật phải bảo đảm tính bền vững công trình, thích ứng biến đổi khí hậu khi đưa vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Rà soát, thẩm định cao độ đường; đánh giá tác động đến dòng chảy, thoát lũ, không để xảy ra tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, dòng chảy, tiêu thoát khi có lũ hoặc tạo thành các vùng úng ngập khi có mưa, triều cường ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân; nghiên cứu phương án hạ thấp cao độ đường phù hợp hoặc làm cầu cạn thay đường nếu cần thiết; nghiên cứu thay hầm đường dân sinh bằng cầu vượt nhằm hạ thấp cao độ đường để tiết kiệm vật liệu san lấp. Khi lập dự án đầu tư phải xây dựng ngay các phương án sử dụng vật liệu xây dựng và mặt bằng thi công.
UBND các tỉnh, thành phố tính toán nhu cầu về vật liệu san lấp (đất, cát) và khả năng cung ứng nguyên vật liệu cho các dự án; trường hợp nguồn vật liệu không bảo đảm cung ứng cho các dự án thì tổng hợp, đề xuất gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải để rà soát cân đối và xử lý tổng thể, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Nếu sớm giải quyết được các vướng mắc hiện tại và đáp ứng đúng tiến độ kế hoạch đặt ra. Trong giai đoạn 2025 – 2035, các trụ cột kinh tế khu vực phía Nam sẽ tạo nên những làn sóng tăng trưởng vượt mong đợi. Ngoài kinh tế nói chung, bất động sản vẫn sẽ là ngành thể hiện rõ rệt nhất những tác động tích cực đó.